Tuổi 20, mình hay lấy các câu kiểu như thế này làm lẽ sống:
“Theo đuổi đam mê, thành công sẽ đến.”
Lạ ở chỗ, mình luôn không biết bản thân thích gì:
- 12 năm học, mình không quá thích môn nào
- Lên đại học, mình chọn ngành business chung chung
- Khi ra trường, mình thấy số đông làm gì thì mình làm nấy
Sau hơn chục năm lăn lộn, mình tin đam mê là một bảng chỉ đường rất TỆ, nhất là cho tuổi trẻ hoang mang trước nhiều lối rẽ.
Lời khuyên này nguy hiểm vì nó là một nửa sự thật, đúng là có đam mê thì làm gì cũng sẽ tốt hơn và hạnh phúc hơn.
Theo đuổi đam mê một cách phiến diện có thể khiến bạn:
❌ Không dám từ bỏ những thứ độc hại đội lốt đam mê
❌ Thấy thua kém khi chưa tìm ra đam mê
❌ Bỏ qua cơ hội phát triển
Đây là nửa còn lại bạn nên biết để tránh cảnh “theo đuổi đam mê, nợ nần sẽ đến” và gợi ý về một bảng chỉ đường tốt hơn đam mê 👇.
1) Rất Khó để tìm đam mê
Khi còn trẻ, có nhiều thứ có thể lấn át tiếng gọi của đam mê: sự tự ti, sợ bị cô lập, áp lực xã hội v.v..
Bên cạnh đó, có một rất giỏi ngụy trang thành đam mê: Sở thích
Sở thích có thể mãnh liệt không kém đam mê, nhưng dễ đến và dễ đi
Thường sở thích gặp áp lực kiếm tiền thì sẽ hiện nguyên hình
Bởi vậy, chỉ ngồi vắt tay lên trán nghĩ thì khó có thể tìm ra đam mê, phải lăn lộn thực tế thì mới dễ phân biệt:
Sở thích nhất thời với đam mê lâu dài
Thứ ta thật sự yêu thích và thứ đang được ưa chuộng
Mình tin việc có các trải nghiệm sẽ tạo ra đam mê, chứ không phải ngược lại.
Đam mê cũng thay đổi khi con người đổi thay theo thời gian, nên luôn có những đáp án khác nhau tùy theo biến số lúc đó của cuộc sống: độ tuổi, ưu tiên, trách nhiệm v.v..
Đương nhiên cũng có những người may mắn đã biết đam mê của mình từ rất sớm.
Nhưng đó là ngoại lệ, và ngay cả Steve Jobs cũng đi thực tập trước khi làm Apple 🙂.
2) Đam mê không là tất cả
Thực tế thì 3 điều này có thể hoàn toàn khác nhau:
Điều mình thích
Điều mình giỏi
Điều xã hội cần
Có nghĩa là, dù tìm đúng đam mê, chúng ta vẫn có thể không đủ giỏi để biến nó thành nghề.
Ngược lại, giỏi thứ mà xã hội cần có nghĩa là trở thành người có ích (và thường là sẽ kiếm được tiền)
Lo được cho bản thân, gia đình và giúp đỡ được người xung quanh cũng mang lại hạnh phúc (có thể còn lớn hơn đam mê?).
Mình từng tư vấn nhiệt tình cho một ban trẻ chọn một trường bạn thích dù học phí cao hơn vì mình tin lâu dài sẽ là khoản đầu tư xứng đáng.
Bạn suy nghĩ mãi cuối cùng vẫn chọn trường rẻ hơn vì “em thích trường kia nhưng em thích tiết kiệm tiền cho bố mẹ hơn”.
Làm điều mình thích là một đặc quyền xa xỉ, nếu hoàn cảnh không may mắn thì phải lao động để có.
Đừng để đam mê của mình sống bằng tiền của bố mẹ.
3) Khám phá có mục đích
Mình nói xấu đam mê nhiều quá, phải nói rõ là mình rất hâm mộ những người có đam mê trong công việc.
Mình cũng không nói hãy nhận việc chán nhưng lương cao. Nếu có niềm tin và hoàn cảnh cho phép thì cứ làm thứ mình thích. Khát khao và dại khờ mới là tuổi trẻ.
Nhưng nếu bạn cũng như mình không rõ bản thân mình muốn gì, bạn hãy thử đặt tâm thế là mình đang KHÁM PHÁ:
Dám thử những thứ ngoài vùng an toàn
Làm hết mình (6 tháng là đủ để hiểu)
Suy ngẫm và thay đổi nếu cần thiết
Với MỤC ĐÍCH là trở thành người có ÍCH, cụ thể là tìm được thứ mình giỏi mà xã hội cần.
Muốn biết mình có ích hay không dễ hơn rất nhiều so với việc biết mình thích gì, cứ lăn lộn ở đời một thời gian là câu trả lời sẽ khá rõ.
Thành người có ích rồi, cũng dễ tìm thấy đam mê hơn vì:
Có nhiều trải nghiệm để hiểu bản thân
Tích lũy được nhiều tài sản, công danh hơn để được chọn cái mình thích
Cũng phải chấp nhận, đam mê rất khó tìm, nên không phải công việc nào cũng cần đam mê.
Hãy khám phá có mục đích, biết đâu đam mê sẽ tìm đến!